Không chỉ một lần, Bùi Tiến Dũng mắc những sai lầm đến 2, 3 lần. Một khi đã có nhiều sai lầm như vậy thì có thể nhiều người không còn cảm giác đau buồn hay tức giận nữa. Nếu nghĩ thoáng hơn thì những sai lầm của Bùi Tiến Dũng cũng trở nên… rất bình thường.
Không còn lạ với những sai lầm của Bùi Tiến Dũng
Trở về với thời điểm cách đây 2 năm tại Thường Châu, người hâm mộ (NHM) đã dành những lời khen ngợi với thủ thành Bùi Tiến Dũng sau màn trình diễn ấn tượng tại VCK U23 châu Á 2018. Sau chiến tích vào đến chung kết và màn trình diễn xuất thần giúp Bùi Tiến Dũng được xem là “thủ môn quốc dân”.
Trở về CLB Thanh Hóa sau chiến tích thần kì tại Thường Châu, Bùi Tiến Dũng lại phải thường xuyên làm bạn với ghế dự bị. Kể từ đó, cảm giác và kinh nghiệm trận mạc của Dũng ở cấp CLB cũng bị hạn chế đi nhiều.

Trong năm 2018 – năm gắn liền những thành công ban đầu của Dũng, anh cũng mắc sai lầm trong trận chung kết cúp Quốc Gia khi Thanh Hóa đối đầu với Becamex Bình Dương. Chính sai lầm đó đã gián tiếp giúp Bình Dương lên ngôi vô địch và giành vé dự vòng bảng AFC Cup 2019.
Khi tập đoàn FLC rút khỏi CLB Thanh Hóa vào cuối năm 2018, Bùi Tiến Dũng cũng đã nói lời chia tay với đội bóng quê nhà và cập bến Hà Nội FC. Tuy nhiên, khung gỗ của đội bóng thủ đô là thủ môn hàng đầu và có nhiều kinh nghiệm như Văn Công. Trụ cột lâu năm của Hà Nội được tin tưởng dù trên khung gỗ còn có Bùi Tiến Dũng và Phí Minh Long.
Do Văn Công là công thần của đội bóng, Bùi Tiến Dũng thì không được HLV Chu Đình Nghiêm cho ra sân thường xuyên. Vì thế, một lần nữa “thủ môn quốc dân” lại không có cảm giác bóng tốt như khi còn khoác áo Thanh Hóa.
Trong trận gặp April 25 (CHDCND Triều Tiên) tại chung kết lượt đi liên khu vực AFC Cup 2019, Nguyễn Văn Công gặp phải chấn thương ngay phút 35 và phải rời sân nhường chỗ cho Bùi Tiến Dũng.
Trớ trêu thay, sự thay thế bất đắc dĩ này đã khiến Hà Nội đánh rơi chiến thắng trong những phút cuối trận. Qua đó, April 25 có lợi thế bàn thắng sân khách với tỉ số 2-2 sau trận lượt đi. Lượt về diễn ra sau đó tại Triều Tiên khép lại với tỉ số hòa không bàn thắng. Kết quả đó khiến Hà Nội mất cơ hội hướng đến mục tiêu vô địch AFC Cup 2019.
Được trao cơ hội tại ĐT U23 Việt Nam
Trong vòng hơn 1 năm trở lại, Bùi Tiến Dũng được HLV Park Hang-seo triệu tập thường xuyên bất chấp những sai sót của anh trong quá khứ. Có lẽ thầy Park thấu hiểu những gì anh đang trải qua, thái độ trong quá trình tập luyện và kinh nghiệm trận mạc được truyền cho thế hệ đàn em.
Tại SEA Games 30, Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong trận thắng 2-1 trước U22 Indonesia. Sau pha bóng dẫn đến sai lầm đó, Dũng mất vị trí bắt chính về tay của Văn Toản.
Sự tỏa sáng của Văn Toản trong phần còn lại của SEA Games 30 giúp Việt Nam giành chiếc huy chương vàng đầu tiên của môn bóng đá nam sau 60 năm chờ đợi.

Tại VCK U23 châu Á 2020, Bùi Tiến Dũng được HLV Park Hang-seo tin tưởng. Anh gây ấn tượng trong 2 trận hòa không bàn thắng trước U23 UAE và U23 Jordan. Thế nhưng sai lầm ở trận gặp U23 Triều Tiên khiến cái tên Bùi Tiến Dũng thêm lần nữa lại dậy sóng.
Pha đấm bóng có phần chủ quan của thủ thành quê Thanh Hóa khiến U23 Việt Nam bị gỡ hòa 1-1. Trước khi nhận bàn thua ở cuối trận từ quả 11m. Trận thua 1-2 trước U23 Triều Tiên khiến U23 Việt Nam dừng bước ngay từ vòng bảng.
Bài học quý giá
Thất bại tại U23 châu Á 2020 được xem là một bài học quý giá với không chỉ nền bóng đá Việt Nam, mà nó còn là một bài học về tinh thần của những CĐV xem bóng đá.
Không quan trọng là “fan cứng” hay “fan phong trào” của môn thể thao vua, miễn sao họ vẫn cùng đồng hành với đội tuyển dù có khó khăn thế nào đi nữa. Nếu không ở bên cạnh đội nhà khi thất bại thì đừng tung hô khi đội nhà thắng trận và gặt hái những vinh quang.
Không chỉ có Bùi Tiến Dũng, cũng có không ít những thủ môn hàng đầu thế giới mắc sai lầm. Tại World Cup 1950, thủ môn nổi tiếng của Brazil là Moacir Barbosa cũng mắc sai lầm dẫn đến thất bại trước Uruguay trong trận đấu được xem là chung kết của giải đấu. Ông bị chính các CĐV từng ủng hộ ông quay lưng và đối xử tồi tệ với ông.
Trước khi mất ở tuổi 79, thủ thành lừng danh này nói rằng: “Mức phạt tối đa ở Brazil là 30 năm tù, nhưng tôi đã phải trả giá với điều mà tôi không hề chịu trách nhiệm, với tôi đã là 50 năm.”
Đây là quan điểm cá nhân của tác giả, tác giả không hề có những câu chỉ trích hay hoàn toàn bênh vực Dũng. Bởi chắc chắn một điều rằng khi tác giả nghiêng về phần nào đó thì một bộ phận của phần khác sẽ lên tiếng phản bác lại quan điểm đó.