Chuyển nhượng mùa Đông 2020: Độc, lạ, sốc… mới là xu hướng

Tổng Hợp

Kì chuyển nhượng mùa Đông 2020 khép lại với nhiều bất ngờ xảy ra. Bom tấn không được nhắc đến nhiều như những thương vụ gây sốc với NHM và giới mộ điệu túc cầu giáo. Liệu độc, lạ, sốc… mới là xu hướng ở kì chuyển nhượng mùa Đông 2020?

Không khí ở thị trường chuyển nhượng mùa Đông 2020 diễn ra tương đối ảm đạm. Đa số các đội bóng lớn đều không mua sắm rầm rộ, các đội bóng không thuộc hàng top châu Âu lại là những kẻ “thắng cuộc” trong kì chuyển nhượng mùa Đông này.

Man Utd vẫn “ồn ào” nhất Ngoại hạng Anh

Tại Premier League, Man Utd vẫn là cái tên “ồn ào” nhất ở mỗi mùa chuyển nhượng. Và thị trường chuyển nhượng tháng Giêng 2020 cũng không ngoại lệ, vẫn có không ít tin đồn xung quanh đến ngôi sao sẽ cập bến sân Old Trafford. Tuy nhiên chỉ có thương vụ được xem là bom tấn đáng chú ý nhất là Bruno Fernandes là hoàn tất.

Bruno Fernandes được xem là bom tấn của kì chuyển nhượng tháng Giêng 2020
Bruno Fernandes được xem là bom tấn của kì chuyển nhượng tháng Giêng 2020

Ngoài ra đội chủ sân Old Trafford còn chào đón tân binh Odion Ighalo đến từ Shanghai Shenhua. Thương vụ này sẽ không quá sốc nếu không có dịch viêm phổi virus corona hoành hành tại Trung Quốc đại lục. Ighalo đến sân Old Trafford ngay trong ngày cuối của kì chuyển nhượng mùa Đông 2020 này tại Anh.

Ngoài những thương vụ ồn ào của Man Utd trong kì chuyển nhượng này, các ông lớn khác tại Premier League hầu như không quá mặn mà với việc mua sắm cầu thủ. Liverpool thì chỉ mua cầu thủ duy nhất là Takumi Minamino từ CLB Red Bull Salzburg, Arsenal mượn Cedric Soares của Southampton, Tottenham gây bão với “bom tấn” Steven Bergwijn từ PSV, Man City và Chelsea không có kế hoạch mua sắm nào trong tháng Giêng.

Chelsea không mua sắm dù lệnh cấm chuyển nhượng được gỡ bỏ
Chelsea không mua sắm dù lệnh cấm chuyển nhượng được gỡ bỏ

Điều đáng nói hơn chính là Chelsea, khi họ được phép tham gia kì chuyển nhượng tháng Giêng sau khi bị cấm tham gia TTCN mùa hè 2019. Việc Lampard không mua bất kì ngôi sao nào cho thấy ông đang có kế hoạch xây dựng Chelsea với lực lượng đa phần là “gà nhà”. Bản thân họ đa phần cũng mới trải qua mùa giải Premier League đầu tiên và giờ họ đã trải nghiệm sự khắc nghiệt của giải đấu này. Sau giai đoạn tháng 10/2019 bay cao, dàn sao trẻ Chelsea không còn giữ được phong độ cao như đầu mùa. Giờ họ đang cảm nhận được “hơi nóng” từ nhóm bám đuổi phía sau rõ hơn bao giờ hết.

Những thương vụ gây sốc vì… đại dịch virus Corona

Nhìn chung tại Premier League, sự bất ngờ và gây sốc chỉ quanh quẩn từ hai ngôi sao chuyển đến thi đấu từ đại lục. Ighalo đến MU và Richairo Zivkovic đến Sheffield United.

Một vụ chuyển nhượng cũng mang yếu tố bất ngờ khác đến từ La Liga. Đó là Yannick Carrasco, anh trở về Atletico Madrid cũng khá bất ngờ. Nhưng nếu xét về hai mặt, tôi có thể kết luận rằng Carrasco cập bến sân Wanda Metropolitano không đến nỗi quá sốc. Thứ nhất, anh và Atleti đàm phán về việc quay lại đội bóng cũ đã diễn ra ngay trước thời điểm chính phủ Trung Quốc thông báo cho WHO về tình trạng khẩn cấp của Covid-19. Điều thứ hai, chính Carrasco bày tỏ nguyện vọng muốn rời Trung Quốc từ khá lâu khi anh muốn trở về châu Âu để đoàn tụ cùng gia đình và tiếp tục muốn thi đấu đỉnh cao.

Yannick Carrasco trở về Atletico Madrid từ Dalian Yifang của Trung Quốc
Yannick Carrasco trở về Atletico Madrid từ Dalian Yifang của Trung Quốc

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ ở vụ chuyển nhượng này chính là thời điểm anh cập bến thành Madrid. Anh trở về Madrid ngay ngày cuối của kì chuyển nhượng tháng Giêng. Đó lại là thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có tình hình diễn biến vô cùng phức tạp. Atletico mượn anh từ Dalian Yifang sau khi họ không thể hoàn tất thương vụ Edinson Cavani.

Mới nhất là trường hợp của Daniel Carrico (Sevilla đến Wuhan Zall). Tiền vệ người Bồ Đào Nha đạt thỏa thuận đến với đội bóng Vũ Hán vào ngày 20/2/2020. Carrico đã có quyết định khiến cả thế giới không khỏi bị sốc khi anh gia nhập Wuhan Zall trong bối cảnh cả thế giới đều đang rất e sợ và tránh xa virus Corona.

Daniel Carrico được xem là chàng trai "dũng cảm" nhất thế giới khi gia nhập đội bóng của Vũ Hán
Daniel Carrico được xem là chàng trai “dũng cảm” nhất thế giới khi gia nhập đội bóng của Vũ Hán

Nhiều người cho rằng anh chính là người “dũng cảm” nhất thế giới khi dám lao đầu vào chỗ chết. Cũng có một số bình luận cho rằng Carrico đến Wuhan Zall chỉ vì tiền. Đang sống yên ổn với chức vụ đội phó của Sevilla, bỗng lại đến một nơi mà chẳng ai muốn đến vào lúc này. Mức lương 4 triệu euro/năm quả thật là con số đáng ngưỡng mộ với bất kì cầu thủ nào bước sang tuổi băm đã qua thời kì đỉnh cao từ lâu.

Nhưng may mắn thay, anh sẽ không đến trực tiếp “ổ dịch Vũ Hán”, mà anh sẽ hội quân cùng đội bóng mới tại Marbella, nơi Wuhan Zall đang tập huấn trước mùa giải mới để tránh dịch.

Độc, lạ từ… Hertha Berlin

Tại Bundesliga, Bayern vốn đã nổi trội hơn so với phần còn lại. Không chỉ đang 7 lần liên tiếp vô địch Bundesliga, “Hùm xám” còn nổi tiếng với những thương vụ “rút ruột” trụ cột các đội bóng đối thủ. Ở kì chuyển nhượng tháng Giêng này, nanh vuốt “Hùm xám” không thật sự quá sắc nhọn. Đội bóng xứ Bavaria chỉ nổi cộm ở thương vụ duy nhất mang tên Alvaro Odriozola.

Bayern "giải cứu" Odriozola
Bayern “giải cứu” Odriozola

Bayern quyết định “giải cứu” Odriozola thoát khỏi cảnh ngồi mòn ghế dự bị ở Real Madrid. Nhưng họ chỉ mượn anh cho đến hết mùa 2019-20.

Còn về Dortmund, họ chào đón tân binh đáng chú ý nhất bóng đá châu Âu trong kì chuyển nhượng tháng Giêng là Erling Haaland. Sao trẻ người Na Uy dần chứng minh cái giá mà Dortmund trả cho Red Bull Salzburg là quá rẻ. Tính đến lúc này, Haaland ghi 12 bàn chỉ sau 8 trận khoác áo đội bóng vàng đen ở mọi đấu trường.

Tuy vậy, BVB và Haaland vẫn chưa phải là phần nổi bật nhất của kì chuyển nhượng mùa Đông 2020 tại Bundesliga. Cái tên khiến NHM và giới chuyên môn bị sốc chính là Hertha Berlin.

Piatek khiến châu Âu bất ngờ khi cập bến Hertha Berlin
Piatek khiến châu Âu bất ngờ khi cập bến Hertha Berlin

Đội bóng thủ đô nước Đức hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố độc, lạ và sốc. Từ khi nhậm chức chủ tịch Hertha từ năm 2008, Werner Gegenbauer chưa bao giờ chi tiêu quá 25 triệu euro trong mỗi mùa giải. Nhưng đến mùa 2019-20, ông đã thay đổi tất cả khi chi tiêu đến 109,7 triệu euro trong mùa giải.

Chủ tịch Werner Gegenbauer biết cách gây sốc khi lần lượt chiêu mộ nhưng sao trẻ tiềm năng của bóng đá châu Âu. Những sao trẻ này lẽ ra phải đến những đội bóng tên tuổi hơn nhưng họ lại cập bến đội bóng thủ đô nước Đức. Krzysztof Piatek là cái tên gây bất ngờ khi chuyển đến Hertha Berlin từ AC Milan.

Ở độ tuổi 25 và có đủ khả năng khoác áo đội bóng lớn hơn, Piatek khiến NHM sốc với quyết định đến với đội bóng thủ đô. Ngoài ra, Lucas Tousart cũng lập kỉ lục chuyển nhượng với mức giá 25 triệu euro từ Lyon. Nhưng anh trở về Lyon dưới dạng cho mượn và chỉ thi đấu cho Hertha khi bước vào mùa giải mới.

Lucas Tousart là bản hợp đồng kỉ lục của Hertha Berlin
Lucas Tousart là bản hợp đồng kỉ lục của Hertha Berlin

Hai thương vụ còn lại là Santiago Ascacibar từ Stuttgart và Matheus Cunha từ RB Leipzig. 4 bản hợp đồng mùa Đông 2020 tiêu tốn tổng cộng 76 triệu euro. Qua đó Hertha là đội chi tiêu mạnh tay nhất châu Âu ở kì chuyển nhượng tháng Giêng.

Napoli (65,5 triệu euro) và Monaco (60 triệu euro) là những đội bóng chỉ xếp sau Hertha về số tiền chi tiêu cho chuyển nhượng. Họ chi nhiều nhưng gần như chẳng có bản hợp đồng đáng chú ý nào thuộc dạng bom tấn.

Sốc vì cầu thủ vô danh gia nhập… Barcelona

Thời hạn chuyển nhượng mùa Đông 2020 dù đã kết thúc vào cuối ngày 31/1, nhưng trường hợp Barcelona mua Martin Braithwaite thật sự khiến mọi tín đồ giới túc cầu không khỏi bị sốc.

Cái sốc đầu tiên là Martin Braithwaite thật sự vô danh và chẳng ai biết đến trước khi cập bến Barcelona. Thứ hai là cách Barca tiếp cận Braithwaite từ Leganes với tình cảnh rất trớ trêu khi đội bóng xứ Catalan mất Luis Suarez và Ousmane Dembele đến hết mùa.

Martin Braithwaite khiến NHM khó hiểu gia nhập Barca
Martin Braithwaite khiến NHM khó hiểu gia nhập Barca

Tình trạng khẩn cấp khiến đội bóng xứ Catalan gửi đơn xin chiêu mộ cầu thủ. Họ tận dụng tối đa quy định cho phép các CLB Tây Ban Nha ở hai hạng đấu cao nhất mua sắm dù không nằm trong thời gian chuyển nhượng nếu họ mất cầu thủ trong hơn 5 tháng.

Điều này khiến Leganes vô tình rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Leganes mất đi trụ cột không thể thiếu trên hàng công khi bán Youssef En-Nesyri cho Sevilla trước đó và sau đó mất luôn cả Braithwaite. Họ cũng gửi đơn yêu cầu mua sắm sau giai đoạn chuyển nhượng nhưng không được chấp thuận.

Thương vụ này vô tình đẩy Leganes vào thế khó
Thương vụ này vô tình đẩy Leganes vào thế khó

Sự ra đi của Braithwaite khiến luật chuyển nhượng khẩn cấp trở nên mất đi sự công bằng. Bản thân chủ tịch Josep Bartomeu của Barca cũng bày tỏ sự cảm thông với Leganes sau thương vụ gây sốc này.

Độc, lạ, sốc,… mới thật sự là xu hướng mới của thị trường chuyển nhượng mùa Đông 2020. Nhất là khi chuyển nhượng mùa Đông thường diễn ra trong không khí ảm đạm, kém sức hút, không có nhiều thời gian như mùa Hè và lại cần có điều gì thu hút sự chú ý của giới mộ điệu môn thể thao vua.

Bài viết liên quan